Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam
Thứ nhất, đối với Bộ Tư Pháp
Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản năm 2016 trong đó tập trung sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá đảm bảo chặt chẽ, khách quan, minh bạch, nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan trong quá trình sửa đổi, bổ sung pháp luật đất đai về đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là các quy định về giá khởi điểm quyền sử dụng đất để đưa ra đấu giá, xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá, các điều kiện tham gia đấu giá (nhất là điều kiện và năng lực doanh nghiệp tham gia đấu giá), việc nộp tiền trúng đấu giá (thời hạn nộp tiền), chế tài xử lý vi phạm (điển hình như chế tài đối với việc không thực hiện thanh toán tiền trúng đấu giá) nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả của hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức, hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ đấu giá viên; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Tiếp tục theo dõi sát sao hoạt động đấu giá tài sản nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng trên cả nước, kịp thời có các biện pháp hướng dẫn, quán triệt các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các tồn tại, hạn chế trong thực tiễn; nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, nhất là việc hoàn thiện các tính năng của Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, đấu giá trực tuyến,... đảm bảo thông tin đấu giá tài sản, trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến được thực hiện thuận lợi, công khai, minh bạch, hiệu quả
Thứ hai, đối với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.
Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành địa phương rà soát, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định về đấu giá quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tại địa phương, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan, trong đó chú trọng nội dung về đấu giá đất quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư có giá trị lớn, có vị trí thuận lợi, ‘tiềm năng” đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các biện pháp tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó chú trọng các điều kiện của người tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật, nhất là về vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, phương án thực hiện dự án đầu tư; chỉ đạo cơ quan được giao tổ chức đấu giá phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ tham gia đấu giá, điều kiện tham gia đấu giá để kịp thời phát hiện dấu hiệu thông đồng, móc nối giữa doanh nghiệp tham gia đấu giá với nhau như các doanh nghiệp mẹ, doanh nghiệp con, doanh nghiệp tham gia đấu giá cùng do một người, nhóm người thành lập, nắm cổ phần chi phối...
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý tài sản, người có tài sản tại địa phương thực hiện việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo đúng, đầy đủ các tiêu chí quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP và Công văn số 1949/BTP-BTTP ngày 14/6/2022 của Bộ Tư pháp triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP, đảm bảo lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, khách quan trong việc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, nhất là dự án có giá trị lớn; thực hiện nghiêm túc các quy định về thông báo công khai việc lựa chọn, công bố các thông tin liên quan đến việc đấu giá, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Nghiên cứu việc thành lập các đoàn kiểm tra, tổ giám sát thường xuyên hoặc đột xuất với sự tham gia của các Sở, ban, ngành có liên quan tại địa phương để giám sát trực tiếp việc tổ chức đấu giá của người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản ngay từ khâu xác định giá khởi điểm, phê duyệt giá khởi điểm (nhất là đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, đấu giá tài sản công có giá trị lớn tại địa phương), phê duyệt phương án đấu giá, ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, xây dựng quy chế đấu giá, giám sát quá trình bán hồ sơ, thẩm tra, đánh giá các điều kiện, năng lực người tham gia đấu giá.
Nghiên cứu cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, tố cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về hoạt động đấu giá tài sản; nghiên cứu, tham mưu thực hiện thí điểm đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến, nhất là việc đấu giá tài sản công, quyền sử đụng đất có giá trị lớn, phức tạp tại địa phương.
Thứ ba, đối với tổ chức đấu giá
Tiếp nhận các yêu cầu, tư vấn cho người có tài sản đấu giá về trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất.
Có sự kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ pháp lý ngay từ khâu tiếp nhận, đưa tài sản ra bán đấu giá, cho đến khi thanh lý hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
Phân công hợp ý đấu giá viên phụ trách để đảm bảo phát huy tối đa năng lực của đấu giá viên, tránh sự quá tải trong công việc của đấu giá viên; chỉ đạo đấu giá viên xây dựng kế hoạch, phương án đấu giá quyền sử dụng đất; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cũng như tháo gỡ các khó khăn trong công việc cho đấu giá viên.
Thực hiện nghiêm túc các quy định về thông báo công khai đấu giá, công bố các thông tin liên quan đến việc đấu giá, bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch.
Thứ tư, đối với đấu giá viên
Để thực hiện tốt việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá viên cần nắm được quy định của pháp luật về đấu giá tài sản nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng, những quy định đặc thù của pháp luật đất đai, cũng như kỹ năng vận dụng những quy định của pháp luật một cách phù hợp.
Nghiên cứu kỹ tài liệu liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; điều hành cuộc đấu giá theo đúng quy định pháp luật.
Xác định rõ các công việc cần phải thực hiện trong quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất từ khi tiếp nhận hồ sơ cho đến khi thanh lý hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
Với đặc thù làm một nghề bổ trợ tư pháp, ngoài việc tuân thủ pháp luật, đấu giá viên còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hành nghề, quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BTP ngày 16/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.
Đấu giá viên cần có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn, tôn trọng, bảo vệ uy tín nghề nghiệp; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân; không được có hành vi làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đấu giá tài sản nơi mình làm việc, danh dự, uy tín của nghề đấu giá; ứng xử văn minh, lịch sự trong hoạt động hành nghề đấu giá; không được lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; bảo mật thông tin đấu giá tài sản.
Không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động đấu giá tài sản nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng.
Đấu giá Đông Hưng - An tâm về giá trị thật